“It’s over.” - Mình tự nhủ và cảm thấy trống rỗng. Mình đã dần cảm nhận được sự trống rỗng này từ tối hôm trước, khi mà mình đã chuẩn bị xong gần như mọi thứ cho việc bảo vệ. Lúc đó, mình tự hỏi: “Làm gì tiếp đây?”.

Luận văn đối với mình giống như đi tàu lượn siêu tốc với quãng đường của một đường chạy marathon. Đây là một sự kết hợp kì quái, nhưng hãy nghe mình giải thích. Tàu lượn siêu tốc là hình ảnh ẩn dụ cho những thăng trầm của mình trong suốt cuộc hành trình. Và cuộc hành trình này giống như khi chạy marathon - dài (hơn nửa năm) và bạn không thể về đích nếu cứ bung sức mà chạy. Mình đã có một hành trình không dễ chịu với luận văn, nhưng mình nghĩ mình đã học được nhiều điều, và cũng đã vượt qua giới hạn của bản thân ở nhiều khía cạnh.

Luận văn của mình bắt đầu với sự hoang mang, tiếp đến là chuỗi những ngày mịt mù, và đến khi sắp kết thúc, lại cho mình cảm giác trống rỗng. Mình bắt đầu luận văn với nhiều số không. Mình chưa từng dự buổi bảo vệ luận án của những khóa trước, mình không biết một luận án thì mức độ đóng góp khoa học thông thường như thế nào. Và vì vậy, mình cũng không hề đặt một sự kì vọng nào cho luận án của mình. Mình đã nghĩ điều này sẽ giúp mình tránh những áp lực không cần thiết, ví dụ là về điểm số. Nhưng trớ trêu thay, những áp lực lại đến từ chính bản thân mình.

Một tháng trước khi bảo vệ luận văn, mình không không hề có một chút sự tự tin nào về những gì mình làm. Mình không cảm thấy sự tự tin cần có để có thể trình bày cho người khác nghe. Nhưng mình không chỉ phải trình bày, mình còn phải viết về nó nữa. Viết một tài liệu tối thiểu 50 trang về một thứ mà đến chính bản thân còn không thấy có nhiều giá trị là một cực hình đối với mình. Mình không có một sự kì vọng nào, nhưng chính bản thân mình lúc đó đã coi đây là một sự thất vọng - thất vọng vì những gì mình đã làm không đạt được những tiêu chuẩn của bản thân. Lúc này, mình đã suy nghĩ đến chuyện hủy bảo vệ, nhưng thật may trách nhiêm đã giữ mình lại. Vì đây không phải là công sức của chỉ mình mình và mình có trách nhiệm phải hoàn thành nó. Tất cả những cảm xúc tiêu cực kia, nó chỉ đến từ bản thân mình, và để nó quyết định số phận của luận văn là điều ngu ngốc nhất mà mình có thể làm (Rất may là mình không ngu ngốc đến vậy =)) ).

Trong thời gian làm luận văn, mình cảm thấy những gì mình đọc từ hai quyển “A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy” và “The Choice: Embrace the Possible” thật có giá trị. Mình tập thôi không lo lắng về những gì mình không thể kiểm soát, và mình cũng tập đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và tìm cách giải quyết chúng thay vì cứ làm ngơ chờ nó chúng lắng xuống. Mình nhận ra được mình làm một người leader tồi thế nào, và mình cần phải cải thiện thêm gì. Mình học cách chiêm nghiệm lại những gì mình đã làm, không tự trách bản thân mà tập trung vào những gì mình có thể làm tốt hơn. Đây cũng là những gì mình đã trả lời lúc được một thầy trong hội đồng hỏi về bài học lớn nhất mình học được từ luận văn.

Mình từng nghĩ luận văn đến với mình không đúng thời điểm lắm, hoặc là do mình timing rất tệ. Nhưng khi nhìn lại, mình thấy như thế cũng có cái hay của nó. Dù không phải là trải nghiệm mình mong muốn, nhưng cuộc hành trình này đã giúp mình nhận ra và học được nhiều điều.

“It’s not the hero we deserved, but the hero we needed”


Các bạn có thể tìm đọc tất cả bài viết của series này tại đây.