8 minutes
Mình thi IELTS (Indicator)
Bài viết Thesis Reflection đã tạm khép lại hành trình làm luận án của mình và để lại mình một câu hỏi: “Viết gì tiếp đây?”. Mình phân vân giữa viết gì đó mang tính technical và review một vài quyển sách. Sau một hồi suy nghĩ, mình quyết định quay trở lại giá trị cốt lõi của blog này - điều mà mình luôn muốn truyền tải cho người đọc từ những bài viết đầu tiên - những trải nghiệm của mình. Và bài viết này là về chuyện mình đi thi IELTS.
Đầu tiên, mình nghĩ nên làm rõ trước vài điều. Bài viết này không nhằm mục đích review đề thi IELTS hay chia sẻ phương pháp tự học IELTS, mặc dù nó sẽ chứa tất cả những nội dung đó. Nếu các bạn đang trông đợi những nội dung đó thì những group IELTS sẽ là nơi tìm kiếm hiệu quả hơn. Ở đây chỉ có những trải nghiệm của mình mà thôi :)).
Bài viết này sẽ được chia ra làm 2 phần: Chuyện mình đi thi IELTS và chuyện mình học IELTS. Mình định gộp hai phần vào một bài, nhưng mình thấy nó khá dài nên mình sẽ để phần sau cho một bài viết khác trên blog.
Mình biết đến IELTS từ những năm cấp ba, và bắt đầu học từ năm nhất đại học (ngắt quãng chứ không liên tục). Đối với việc học IELTS, lựa chọn phổ biến mà mình thấy là tập trung học trong khoảng một thời gian rồi sau đó đăng kí thi. Mình nghĩ đây là một chiến lược hợp lý vì nó tối ưu về mặt thời gian cũng như công sức. Tuy vậy, đó không phải là chiến lược mà mình chọn. Mình theo đuổi một kế hoạch dài hạn hơn - nâng cao khả năng tiếng Anh trước và ôn luyện IELTS sau đó. Việc có nhiều thời gian để học giúp mình có thể học tiếng Anh một cái thoải mái hơn, tuy nhiên, nó lại cho mình nhiều thời gian để trì hoãn hơn :)). Sau khi trì hoãn việc thi IELTS vào năm 2 và năm 3 với lý do là bản thân chưa cảm thấy sẵn sàng, mình dần rơi vào tình thế là buộc phải thi dù có sẵn sàng hay không. Cuối cùng, mình quyết định sau khi bảo vệ luận án xong thì sẽ đăng kí thi IELTS. Để chuẩn bị cho việc đó, mình bắt đầu tăng cường thời gian học tiếng Anh mỗi ngày từ tầm từ khoảng tháng 3, và càng tăng dần cho đến ngày thi.
Và giống như bao dự định giữa đại dịch này, dự định của mình đã không thể diễn ra như ý muốn. Bảo vệ luận án của mình bị dời lại khoảng 1 tháng và các kì thi IELTS đều bị hoãn. Thông thường, việc bị hoãn sẽ tạo điều kiện có thêm thời gian để chuẩn bị cho kì thi, nhưng với mình, nó cũng đi kèm sự áp lực và sự hoang mang. Việc tự học vốn đã hoang mang, nay càng lớn thêm khi những dự định đi kèm với nó đều bị đặt vào giữa làn ranh đổ vỡ. Nhưng mình khá là may mắn. Giữa những ngày tháng chờ đợi đó thì mình phát hiện ra kì thi IELTS Indicator - thi IELTS tại nhà. Mình xem lịch và chọn ra một ngày thi hợp lí - không quá gấp để mình có thời gian chuẩn bị và không quá xa để tránh mình bị cạn kiệt năng lượng.
Mình bắt đầu vào quá trình ôn luyện IELTS như bao người - làm đề trong những quyển Cambridge, học từ vựng một số chủ đề rồi luyện nói và viết. Do vẫn còn phải làm việc full-time, nên mình không thể dồn hết tâm sức vào việc chuẩn bị được. Mình cố sắp xếp thời gian vào buổi tối và cuối tuần, cố gắng lựa chọn những thời điểm mình có đủ năng lượng để có thể làm bài thi thử. Nhưng trớ trêu thay, càng chuẩn bị thì mình càng thấy có nhiều thứ mình làm chưa tốt và cần cải thiện. Và thế là trước kì thi khoảng 2 tuần, mình bắt đầu gia tăng cường độ tập luyện. Trong khoảng 2 tuần đó, trong đầu của mình chỉ có làm việc và học IELTS lặp đi lại lặp. Thậm chí khi ngủ mình còn mơ về việc thi IELTS. Suy ngẫm lại, mình thấy quyết định này không sáng suốt lắm.
Ngày thi đến và mình vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng cho nó. Lần gần nhất mình có cảm giác này là hồi thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12. Nhưng mà không còn đường lùi nữa, mình luôn phải tự bảo bản thân là “Just do it!”. Mình thi IELTS trong 2 ngày, một ngày cho Speaking và một ngày còn lại cho 3 kĩ năng còn lại. Do stress và lo lắng khá nhiều cộng thêm việc luyện tập cường độ cao, mình cảm thấy khá cạn kiệt năng lượng vào ngày thi. Mình đã từng trải qua những kì thi khắc nghiệt và căng thẳng hơn, nhưng mình cảm giác đây là một trong những lần thi mà mình lo lắng nhiều nhất.
Ngày thi Speaking. Dù đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng về webcam, loa, và micro từ hôm trước, nhưng mình đã bị đánh úp bởi Zoom trên Windows. Mình join vào Zoom để thi và nhận ra webcam của mình không hoạt động. Mình bình tĩnh xin phép giám khảo thử join lại. Trước khi join lại, mình cẩn thận bật thử webcam trên app của Windows để xem có trục trặc gì không, kết quả là vẫn hoạt động bình thường. Nhưng Zoom không nghĩ vậy, mình vẫn tiếp tục không thể bật được webcam trong Zoom meeting. Thế là mình xin phép giám khảo restart lại máy tính. Sau khi restart lại xong, Zoom vẫn chịu nhận webcam của mình. Cùng đường, mình xin phép giám khảo restart máy lại lần nữa để thử chuyển sang Linux xem có được không. Giám khảo cho phép nhưng cảnh báo rằng nếu không bật được webcam lần này nữa thì phải dời lịch thi. Và may mắn thay (mình không rõ phải may mắn không) Zoom trên Linux vẫn hoạt động bình thường. Dẫu vậy, mình không còn thời gian để kết nối lại tai nghe, và đành phải dùng loa ngoài và microphone của laptop với hi vọng rằng chất lương âm thanh không quá tệ. Bước vào bài thi Speaking với tâm thế như vậy, mình cũng không còn nhớ những gì đã chuẩn bị nữa và mình trả lời tất cả câu hỏi theo kiểu freestyle.
Ngày thi 3 kĩ năng còn lại mình may mắn không gặp trục trặc kĩ thuật gì. Trước khi thi, mình cũng chuẩn bị bằng cách tập trung nghe những đoạn tiếng Anh ngắn nhưng một hình thức khởi động giúp mình có thể tập trung tối đa trong lúc thi. Hít một hơi thật sâu, mình bắt đầu bài thi Listening. Section 1 không có gì quá bất ngờ, nhưng 3 sections sau đó là chuyện khác. Tốc độ của 3 sections đều khá là nhanh, và kì dị thay, tất cả 40 câu hỏi Listening của mình đều là điền từ :))). Mình cũng làm kha khá đề Cambridge và cũng hay đọc review đề trong các group, nhưng đề kiểu này thì mình mới thấy lần đầu :))). Kết thúc bài thi Listening, mình biết đây không phải là màn trình diễn mà mình mong đợi. Cố gắng xốc lại tinh thần, mình bước tiếp vào bài thi Reading.
Bài thi Reading chào đón mình với những dạng câu hỏi khá lạ. Mình thường không gặp vấn đề nhiều với bài thi Reading, nhưng việc bị snowball tự bài thi Listening đã ảnh hưởng tâm lý của mình. Đập ngay vào mặt mình ở Section 1 là một bài viết về choices, về maximizers và satisficers, về việc luôn cố gắng tìm lựa chọn tốt nhất có thể có tác dụng ngược như thế nào. Mình cảm giác bài viết như đang nói về mình, về quá trình mình chuẩn bị cho kì thi này vậy :))). Mình hoàn thành bài thi Reading trong khoảng 50 phút và dành 10 phút còn lại để kiểm tra lại thật kĩ. Tuy nhiên, trong 10 phút cuối đó, mình cảm thấy thật sự cạn năng lượng. Mắt mình cảm thấy mỏi và mình cảm giác không thể đọc hiểu suy luận thêm được nữa. Vì còn bài thi Writing trước mặt, nên mình quyết định không cố kiểm tra nữa mà cố gắng giữ cho tinh thần và thể chất thật ổn. Dẫu đã cố vực dậy tinh thần, mình đã làm bài rất tệ hại trong bài thi Writing. Mình kết thúc kì thi IELTS trong sự thất vọng toàn tập.
Khoảng một tuần sau thì mình có kết quả. Mình đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận một kết quả tệ. Kết quả đúng là tệ, nhưng mà nó không tệ hoàn toàn. Điểm Writing và Listeing thấp hơn mình kì vọng, nhưng hóa ra mình không làm quá tệ trong 2 bài thi còn lại. Mình đạt 8.5 cho cả Reading và Listening, và Overall 7.5.
Mình khó thể nói là mình hài lòng về kết quả. Trải nghiệm không mấy suôn sẻ này vô tình lại cho mình cơ hội để nhìn nhận lại được nhiều điều. Mình hiểu được sự quan trọng của việc chuẩn bị và việc chọn đúng điểm rơi về năng lượng (hay phong độ). Quan trọng nhất, nó giúp mình hiểu được khả năng của mình đến đâu, và mình cần phải có những thay đổi gì trong phương pháp học tiếng Anh trong chặng đường tiếp theo.