Tiếp nối chuyện mình thi IELTS, đây là chuyện mình học tiếng Anh và IELTS. Bài viết sẽ được chia làm hai phần, phần đầu nói về việc mình học tiếng Anh nói chung và phần hai là một số kinh nghiệm của mình trong việc học IELTS.


5S QUẢNG CÁO ༼ つ ◕_◕ ༽つ: Nếu các bạn có thời gian rảnh và muốn nghe mình nói luyên thuyên về chuyện IELTS, các bạn có thể nghe một podcast mà mình được mời tham gia tại:


Học tiếng Anh

Khi bước vào đại học, mình có nền tảng tiếng Anh tạm ổn. Tạm ổn ở đây là mình có thể sử dụng tiếng Anh ở mức cơ bản và gặp khá nhiều khó khăn để sử dụng nó trong thực tế, đặc biệt là trong môi trường học thuật. Mình là một ví dụ điển hình của việc học tiếng Anh một cách lệch lạc ở thời phổ thông trung học. Lúc đó, tiếng Anh đối với mình chỉ là những bài tập, là chọn đúng từ cần điền vào chỗ trống trong câu hỏi. Thật ra học tiếng Anh như vẫn có ích về ngữ pháp, từng vựng và khả năng đọc hiểu, nhưng nó một có một nhược điểm chết người là các kĩ năng nghe, nói và viết hầu như không được sử dụng. Mình sớm nhận ra sự lúng túng, thiếu tự tin của mình khi nói tiếng Anh và sự vật lộn mỗi khi phải viết những bài luận bằng tiếng Anh. Lúc đó, mình quyết tâm phải làm chủ được ngôn ngữ này, biến nó thành công cụ hỗ trợ cho mình thay vì rào cản. Hành động đầu tiên của mình để đạt mục tiêu đó là đăng kí một khóa học IELTS.

Thật ra, mình khá tham vọng khi đăng kí học IELTS vào lúc đó. Mình nghĩ khóa học sẽ giúp mình cải thiện những kĩ năng mình còn yếu, và sau đó mình có thể thi IELTS ngay luôn. Sau khi kết thúc khóa học, mình đạt được một phần tư tham vọng ban đầu :))). Một phần tư bởi vì mình chỉ đạt được một nửa của mục tiêu đầu tiên: mình nhận ra những hạn chế của mình. Cụ thể hơn, mình có thể lấy kết quả của bài kiểm tra cuối khóa của mình (một bài thi IELTS Academic) để dễ hình dung. Kĩ năng Reading của mình khá tốt (7.5+) - mình cũng không bất ngờ lắm vì mình đã có 9 năm miệt mài làm bài tập :)). Các kĩ năng còn lại của mình đều loanh quanh ở mức 6.0. Lúc đó mình biết phía trước mình vẫn còn một chặng đường rất dài, ít nhất là cho đến khi mình có thể tự tin thi IELTS.

Kỹ năng tiếng Anh của mình

Sau khi kết thúc khóa học IELTS, mình có quyết định là mính sẽ tự học tiếng Anh. Đã quen với việc tự học từ cấp ba, mình có một niềm tin là mình sẽ có thể tự học được tiếng Anh (nếu không thì học trung tâm thôi :v ). Mình bắt đầu tham khảo những bài chia sẻ về việc tự học tiếng Anh, lấy bài thi IELTS làm chuẩn, mình bắt đầu xây dựng kế hoạch luyện tập cho từng kĩ năng của mình. Phương pháp luyện tập của mình lúc đó có thể tóm gọn như thế này:

  • Kĩ năng Reading: Đọc sách tiếng Anh để tích lũy từ vựng và làm quen với việc đọc hiểu tiếng Anh.
  • Kĩ năng Listening: Luyện tập chép chính tả.
  • Kĩ năng Speaking: Luyện tập bằng cách shadowing - bắt chước theo cách nói của người bản xứ
  • Kĩ năng Writing: Ôn tập ngữ pháp và học một số cách diễn đạt thông qua những bài mẫu IELTS Writing task 1 và 2

Mình dự định sẽ luyện tập như vậy trong năm nhất và năm hai. Với kế hoạch và phương pháp cụ thể như vậy, mình nghĩ khả năng tiếng Anh của mình sẽ tiến bộ nhiều sau 2 năm. Thực tế thì khả năng tiếng Anh của mình có tiến bộ, nhưng không nhiều lắm :))). Có 2 nguyên nhân chính cho sự chậm chạp đó: mình không nghiêm túc luyện tập và những phương pháp tưởng chừng hợp lý đó lại không phù hợp với mình. Khi có nhiều thứ quan trọng hơn tiếng Anh cần phải học, mình chọn gác lại việc học tiếng Anh và tạm gác càng lâu, mình càng cảm thấy khó khăn trong việc bắt đầu lại. Phương pháp học chưa hợp lí cũng góp phần làm cho mình tạm ngưng việc học tiếng Anh dễ dàng hơn. Về cách học Reading, mình vẫn thích đọc sách tiếng Anh dù có gặp một số khó khăn ban đầu. Vấn đề nằm ở chỗ mình học những từ vựng tích lũy được khá là bản năng: cứ ghi chú lại rồi vài ba hôm lại lấy ra ôn lại. Để luyện tập Listening, mình lựa chọn Ted Talk để nghe chép, và thật sự thì sau khoảng một vài tuần, mình đã bắt đầu thấy chán. Với Speaking, mặc dù mình khá thích shadowing, nhưng mình cảm thấy nó không giúp mình cải thiện nhiều và sự tự tin khi nói mà mình tìm kiếm vẫn không có dấu hiệu xuất hiện. Với Writing, mình chỉ thích học và làm bài tập ngữ pháp. Các bạn có thấy quen không? Đúng rồi, mình lại quay về cách học cũ của mình ở phổ thông :)).

Thất bại trong việc tự cải thiện khả năng tiếng Anh, mình dự định đi học ở trung tâm thay vì tự học. Đang còn trong quá trình tìm hiểu trung tâm thì một biến cố lớn xảy ra làm đảo lộn kế hoạch của mình - Covid. Khi guồng quay hằng ngày bị ngưng lại, mình vô tình lại có thêm nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm và suy nghĩ nhiều hơn. Mình bắt đầu tìm hiểu về khoa học của việc học - làm thế nào để có thể tiếp nhận, ghi nhớ, và truy xuất thông tin từ trí não. Mình tìm hiểu kỹ hơn về những điểm yếu trong khả năng tiếng Anh của mình, tại sao mình gặp những vấn đề đó và cách cải thiện. Trước đây, khi chọn phương pháp học tiếng Anh, mình đã coi nhẹ sự phù hợp với bản thân mà chỉ chú trọng vào tính hiệu quả trên số đông của nó. Tức là mình sẽ ưu tiên những phương pháp được nhiều người chia sẻ và cố gò ép bản thân mình vào việc luyện tập. Sự tìm tòi và thay đổi về mặt mindset đó đã dẫn mình đến bước ngoặt cho việc học (không chỉ tiếng Anh) của mình sau này. Bước ngoặt đó có thể tóm gọn trong nhưng ý sau:

  • Active Recall và Spaced Repetition
  • Feedback
  • Làm cho việc học trở nên thật dễ dàng để bắt đầu
  • Các kĩ năng tiếng Anh hỗ trợ chặt chẽ cho nhau

Nói ngắn gọn, Active recall và Spaced repetition nghĩa là bạn phải chủ động truy xuất thông tin từ não bộ của mình và lặp lại điều đó một cách hợp lí. Đặt trong bối cảnh từ vựng, điều này nghĩa là bạn phải kiểm tra lại các từ đã học và các lần kiểm tra cần cách nhau một khoảng thời gian tùy thuộc vào việc bản thấy việc nhớ lại các từ đó khó hay dễ. Feedback ở đây nghĩa là trong quá trình học, bạn cần phải có được sự phản hồi để biết bạn đang làm đúng hay sai, và lỗi sai của bạn đến từ đâu (giống như train machine learning models vậy :)) ).

Mình áp dụng Active Recall và Spaced Repetition vào việc mình học từ vựng. Kết hợp với những app hỗ trợ như Anki (sau này mình chuyển sang dùng Remnote), mình cảm nhận được sự hứng thú của bản thân trong việc học từ vựng. Với mỗi từ mình muốn học, mình ghi chú lại nghĩa của từ, cách dùng từ cũng như là những lưu ý đặc biệt nếu có và cho vào app, những gì còn lại app sẽ lo hết :)). Mỗi ngày mình chỉ cần dành khoảng 15-20 phút để luyên tập và dần dần nó trở thành thói quen của mình. Mình càng ngày càng thích đọc sách tiếng Anh và tích lũy từ vựng, các cách diễn đạt hay ho từ sách khi biết chắc rằng mình có một hệ thống đằng sau hỗ trợ.

How to study effectively: Active Recall & Spaced Repetition

Mình không rõ mình nghe lời khuyên này từ ai, nhưng mình thấy nó khá là đúng: “Khi không nghe được một từ tiếng Anh, có nhiều khả năng bạn cũng phát âm sai từ đó”. Thế là mình quyết định học cả 2 kĩ năng Speaking và Listening đan xen với nhau. Trước giờ, mình phát âm theo bản năng và có nhiều lỗi sai đã ăn sâu vào mình. Thế là mình quyết tâm “đập đi xây lại” bằng cách bắt đầu học bảng IPA, luyện tập phát âm từng âm, từng từ. Với sự hỗ trợ của app ELSA, dẫu có nhiều lúc chật vật vì những âm khó, mình dần cảm thấy khả năng phát âm của mình tốt hơn, và đúng là kĩ năng nghe của mình cũng có nhiều tiến bộ. Với kĩ năng nghe, thay vì chép chính tả, mình chuyển sang luyện tập nghe “tập trung” và nghe “thoải mái”. Với nghe “tập trung”, mình sẽ lựa chọn những đoạn video khoảng 5-10 phút và tập trung nghe rõ toàn bộ từng chữ một. Trái với nghe “tập trung”, khi nghe “thoải mái” mình cho phép mình nghe không rõ một số từ, miễn là mình vẫn hiểu được nội dung mình đang nghe. Khi nghe, mình luôn ưu tiên những nguồn có phụ đề để mình có thể đối chiếu và tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình không nghe được một số từ nào đó.

Bên cạnh việc thay đổi phương pháp hoc, mình cũng dành nhiều thời gian để đầu từ vào tư liệu học hơn. Đầu tư ở đây nghĩa là mình đảm bảo những gì mình đọc và nghe phải là nội dung mình yêu thích và có hứng thú. Mình không lựa chọn những tạp chí khoa học hay được khuyên đọc khi học IELTS mà lựa chọn những đầu sách yêu thích. Mình không còn nghe từ Ted Talk nữa mà nghe những channel youtube và podcast về phim ảnh, games và khoa học - những chủ đề mà mình có thể nghe và xem hằng giờ. Mình luôn dành một khoảng thời gian để tìm kiếm và thu thập những tư liệu như vậy trước để đảm bảo sau đó khi đến thời điểm luyện tập, mình không có lý do gì để có thể trì hoãn được.

Cuối cùng, tất cả những phương pháp trên đều sẽ vô ích nếu không có sự kiên trì. Mình thấy tiếng Anh khá giống với việc luyện tập thể dục: kiên trì luyện tập đều đặn sẽ đem đến những lợi ích lâu dài. Quá trình học tiếng Anh của mình lúc này khá đơn giản: đọc sách, nghe podcast, xem Youtube video, dùng app Elsa để luyện phát âm và nói. Điều khác biệt lớn nhất so với phương pháp học trước đây của mình chính là mình hoàn toàn cảm thấy hứng thú và yêu thích những nội dung mình học. Mình biết việc kiên trì không phải là điều dễ dàng, vậy nên, hãy bắt đầu một cách nhẹ nhàng rồi từ từ nâng cao khối lượng luyện tập. Bên dưới là số từ vựng mình tích lũy (chưa phải tất cả :)) ) trong Remnote và số phút mình dành để luyện tập trong app ELSA mỗi tháng.

Hằng ngày mình sẽ luôn ôn tập một số từ vựng trong 620 từ (không dừng lại ở con số này) Trung bình mỗi ngày mình luyện tập ELSA trong khoảng 20 phút

Học IELTS

Mình dành phần lớn thời gian học tiếng Anh như trên và chỉ tập trung chuẩn bị cho IELTS trong một vài tháng trước khi thi. Đầu tiên, có một điều mình nghĩ mà các bạn nên biết là IELTS không đơn giản chỉ là một kỳ thi tiếng Anh. Nó không chỉ kiểm tra khả năng tiếng Anh, mà hơn thế, còn yêu cầu khả năng tư duy logic, sự tập trung, và hiểu biết xã hội. Vậy nên, nếu bạn gặp vấn đề trong khi làm bài IELTS, thì có thể nguyên nhân không chỉ đến từ khả năng tiếng Anh của bạn. Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ về cách mình chuẩn bị và luyện tập cho từng kĩ năng. Mình không phải là một chuyên gia về những kỹ năng này, nên đừng xem những gì mình làm là chính xác tuyệt đối nhé :)).

Sắp xếp thời gian

Mình chuẩn bị thi IELTS trong lúc vừa làm full-time vừa làm luận án tốt nghiệp nên mình không quá nhiều thời gian và năng lượng để tập trung học IELTS cao độ. Mình chủ yếu ôn luyện vào buổi tối và cuối tuần, và chỉ sau khi mình đã hoàn thành những công việc của công ty và luận án (hoặc là mình chán làm những cái đó rồi :)) ). Dẫu vậy mình vẫn cố gắng duy trì thói quen hằng ngày là luyện nói ít nhất 20 phút bằng app ELSA, ôn tập lại từ vựng bằng Remnote (mất khoảng 15-20 phút mỗi ngày), đọc sách 30 phút, và luyện nghe bằng podcast và Youtube. Mình thấy việc tập trung trong khoảng thời gian 20-30 phút dễ hơn so với việc học trong vòng 1-2 tiếng, nhất là trong tình trạng đầu óc của mình luôn bị bận tâm bởi công việc và luận án.

Reading

Không chỉ trong Reading, mà với mỗi kĩ năng, điều đầu tiên mình làm chính là tìm hiểu tất cả các dạng câu hỏi và lên kế hoạch để ôn luyện. Một tip nhỏ cho các bạn trong lúc lên kế hoạch đó là hãy bắt đầu nhẹ nhàng và linh động điều chỉnh kế hoạch phù hợp với bản thân.

Để hoàn thành tốt bài thi Reading, thì mình nghĩ yếu tố quan trọng là khả năng tư duy logic. Ngoài việc hiểu được nội dung của văn bản, thì hiểu chính xác yêu cầu của câu hỏi cũng là một phần quan trọng. Ví dụ điển hình là dạng bài True/False/Not Given (hoặc Yes/No/Not Given): bạn phải hiểu rõ True/Yes nghĩa là mệnh đề đưa ra có thể được chứng minh bởi dữ kiện trong văn bản, False/No nghĩa là có thể phản bác và Not Given nghĩa là không thể rút ra kết luận gì. Việc hiểu rõ như vậy sẽ giúp các bạn tránh được những sự bối rối trong lúc làm bài.

Mình hầu như không áp dụng chiến thuật nào khi làm bài IELTS Reading. Mình chỉ đọc trước qua những câu hỏi để xác định các dạng bài, sau đó mình dành thời gian đọc hiểu văn bản. Trong quá trình đọc, nếu mình thấy có đoạn nào liên quan đến câu hỏi thì mình sẽ làm phần đó. Trước đây, mình hay làm theo cách cố gắng xác định những đoạn chứa thông tin cho câu hỏi trước rồi làm (ví dụ dạng bài tập điền từ), nhưng mình thấy như vậy khiến mình gặp khó trong việc làm những dạng bài cần hiểu tổng quát cả văn bản như Matching Heading. Cách làm bài như vậy chỉ phù hợp với những bạn đã có khả năng đọc hiểu tốt và không bị áp lực về mặt thời gian (mình thường hoàn thành bài Reading trong khoảng 50 phút). Mình có thể làm được như vậy là nhờ quá trình luyện tập đoc sách và tài liệu tiếng Anh trong thời gian dài. Mình biết việc đọc sách tiếng Anh là một thử thách rất lớn, nhưng đừng nản chí, hãy bắt đầu nhẹ nhàng bằng 1-2 trang sách một ngày, sau đó từ từ tăng khối lượng đọc lên, dần đần bạn sẽ cải thiện được khả năng đọc hiểu của mình. Quyển sách tiếng Anh đầu tiên mà mình đọc là Outliers1, và mình mất khoảng một năm để hoàn thành nó :)).

Mình sử dụng bộ Cambridge kinh điển để luyện tập. Trong cả quá trình học và chuẩn bị để thi IELTS thì mình làm tổng cộng chỉ khoảng 10 đề thi. Đây là một con số khá là khiêm tốn, vì mình thấy có nhiều bạn còn làm hết cả vài bộ Cambridge :))). Mình thường làm đề thi Reading trong khoảng 50-55 phút (mình ép thời gian vì mình muốn chắc chắn là mình sẽ không bị hụt giờ khi thi thật), sau đó đối chiếu kết quả, xem những lỗi sai và tìm hiểu nguyên nhân, và cuối cùng là hoc từ vựng và ngữ pháp mà mình thấy hay. Mình không luyện nhiều đề quá vì mình thấy nó khá là tốn thời gian và năng lượng, và kết quả của mình cũng đã đạt mức ổn định (dao động khoảng 38-40 câu).

Listening

Với Listening, mình sử dụng bộ đề thi Cambridge một cách triệt để hơn. Khi luyện tập đề thi Listening, mình thường không kiểm tra đáp án ngay sau khi kết thúc bài thi mà dành thời gian nghe lại. Sau khi nghe lại và tự kiểm tra kết quả mình mới đối chiếu với đáp án. Mình làm như vậy để có thể phân loại được những lỗi sai của mình đến từ đâu, ví dụ: Do mình không nghe được từ hay do mình hiểu sai câu hỏi. Sau khi hiểu được nguyên nhân những lỗi sai, mình sẽ bắt đầu suy nghĩ cách khắc phục. Mình dùng đề thi IELTS để kiểm tra và phát hiện những lỗi sai và sau đó dùng các nguồn khác để luyện tập.

Ví dụ với dạng câu hỏi Mulitple Choice, mình nhận ra mình thường làm sai khi mình không hiểu kỹ câu hỏi. Vậy nên thay vì cố highlight keywords, mình sẽ cố đọc hiểu kỹ câu hỏi và đồng thời liên kết nó với nội dung của bài nghe, sau đó mình sẽ đọc lướt qua những đáp án, và tìm những từ khóa chính giúp phân biệt những đáp án. Mình thấy việc tìm điểm khác biệt giữa các đáp án nhanh hơn là cố nhớ nội dung cả đáp án. Bên cạnh đó, nếu còn thời gian, mình sẽ liên tưởng một vài cách diễn đạt khác của các đáp án để tránh bị bất ngờ khi nghe.

Một ví du khác là dạng câu hỏi Map Labeling, trước đây mình thường sai khá nhiều, và nguyên nhân chính là do mình không định hình được phương hướng trên bản đồ. Mình đã khắc phục điều đó bằng cách tập phản xạ với các phương hướng North, South, East, West trong tiếng Anh, đồng thời cố gắng có một góc nhìn tổng quan về tất cả vị trí trong bản đồ. Khi làm bài, mình sẽ dựa theo nội dung nghe để định vị các vị trí cần thiết.

Một lỗi sai mà mình nghĩ nhiều bạn cũng gặp vấn đề đó là số ít và số nhiều. Mình đã luyện tập điều này một cách khá đơn giản: mình nghe kỹ toàn bộ bài nghe của IELTS và cố gắng nghe chính xác từng từ có phải số nhiều hay không. Việc luyện tập như vậy giúp mình trở nên nhạy bén hơn với các dạng từ này.

Mình thỉnh thoảng bị bỏ lỡ nội dung quan trọng khi quá tập trung vào câu hỏi và “chờ” thông tin đến để trả lời. Để khắc phục nó, mình cố gắng nghe và đặt mình vào trong cuộc hội thoại và chỉ lưu giữ những từ khóa quan trọng của câu hỏi trong đầu. Một điều mình vô tình nhận ra là khi luyện tập càng nhiều, mình dần hình thành phản xạ tốt và thỉnh thoảng mình có thể còn đoán được trước nội dung mình sẽ được nghe :)). Mình luyện tập nhiều đề IELTS Listening hơn Reading, chắc khoảng gấp đôi, vì đây là kỹ năng mình chưa tốt và bài Listening thì ngắn và đỡ tốn sức hơn bài Reading khá nhiều. Trước khi thi thì kết quả luyên tập của mình dạo động ở mức 36-40 câu.

Speaking & Writing

Mình gộp 2 kĩ năng này vào vì bản thân mình cũng không có nhiều kinh nghiệm lắm và mình vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu phương pháp để cải thiện chúng.

Với Speaking, mình không học bài mẫu mà mình muốn những gì mình nói ra phải khá đúng với con người của mình. Với mỗi chủ đề, mình cố gắng soạn ra những nội dung mà mình sẽ nói nếu là tiếng Việt rồi diễn đạt nó bằng tiếng Anh và tìm kiếm những cụm từ hay ho để đan xen vào. Còn với Writing, mình thường luyện tập suy nghĩ ý tưởng cho bài viết, và sau đó luyện tập trình bày chúng bằng tiếng Anh. Bên cạnh tập trung luyện tập các chủ đề của IELTS Writing, mình cũng tập ghi chú bằng tiếng Anh trong quá trình học và làm việc hằng ngày.

Unfair advantages

Cuối cùng, mình sẽ điểm qua một số lợi thế mà mình may mắn có được trong quá trình học này. Đầu tiên là mình được học và làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh. Chương trình của mình học hoàn toàn bằng tiếng Anh và công ty mình thực tập trước đây và làm việc bây giờ cũng vậy. Những môi trường đó ít nhiều tạo động lực cho mình cải thiện khả năng tiếng Anh của mình. Thứ hai là mình “may mắn” được học và làm việc online trong thời gian này, mặc dù nó có những tác hại về mặt tâm lý, nhưng nó cho mình thêm nhiều thời gian hơn.

Tư liệu và công cụ hữu ích

Phần này mình dùng để liệt kê những nguồn tư liệu học cũng như ứng dụng mình đã sử dụng trong quá trình học


  1. https://www.goodreads.com/book/show/3228917-outliers ↩︎